ĐỘC ĐÁO TẾT CỦA NGƯỜI NÙNG Ở LẠNG SƠN

Ngày đăng: 30/01/2019

Dân tộc Nùng ở xã Yên Phúc, huyện Văn Quan và cũng như các huyện khác ở Lạng Sơn họ có cách thức ăn Tết cổ truyền khá tương đồng nhau. Quan niệm Tết của người Nùng cũng gần giống như người Kinh. Tuy không làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên trời ngày 23 tháng Chạp như người Kinh nhưng nhưng không vì thế người Nùng sửa soạn cho ngày tết kém phần rôm rả. Họ chuẩn bị Tết khá kĩ lưỡng. Mỗi dân tộc sẽ mang trong mình những nét độc đáo riêng trong văn hóa, sinh hoạt. Điều đó tạo nên những nét độc đáo Tết của người Nùng ở Lạng Sơn.

Ngày Tết trong tâm thức của người Nùng

Tết Nguyên Đán là nét độc đáo trong văn hóa của người Việt và đối với đồng bào dân tộc Nùng cũng mang ý nghĩa rất sâu sắc. Tết là gì và có ý nghĩa thế nào với người Nùng? Đó chính là một điều rất giản dị, nói lên mối giao cảm sâu xa của con người và thế giới quan. Đó là ngày lễ đầu tiên của năm mới, là cái mốc, là khởi điểm của một năm của mỗi tộc người.


Tết cổ truyền của người Nùng là dịp để mọi người dẹp bỏ mọi lo toan trong cuộc sống sau một năm làm việc vất vả để vui chơi, an hưởng hạnh phúc. Tết cũng là dịp để đồng bào Nùng tự ý thức về sự đổi mới của đất trời về lẽ tuần hoàn của tạo vật. Ý thức như thế để con người luôn hân hoan nuôi mầm hi vọng cho 365 ngày tiếp theo của năm mới và bỏ lại 365 ngày của năm cũ.



Trò chơi dân gian của người Nùng dịp đầu xuân. Ảnh: Phạm Lự

Tết là cơ hội để gia đình sum họp, tương nhớ tới tổ tiên, đền ơn trả nghĩa cho nhau. Đồng thời, Tết là dịp để mọi người nở nụ cười chào nhau và gạt bỏ những giận hờn năm cũ để bắt đầu cho năm mới là những cái bắt tay hứa hẹn xóa bỏ thù hận. Tất cả chỉ nhằm làm cho cuộc sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn khi năm mới bắt đầu.
Tất cả đều được lặp lại theo chu kỳ làm nên nhiều tập tục mang đậm bản sắc dân tộc. Nó chứa đựng những đức tính tốt đẹp của người Nùng, luôn muốn được sống thân thiện, yên bình.
 

Đồng bào Nùng rộn ràng đón Tết

Trong ngày Tết Nguyên Đán, hình tượng cành đào đã trở thành biểu tượng không thể thiếu của đồng bào Nùng. Họ quan niệm cành đào với những cánh hoa rực rỡ bày trong nhà sẽ mang lại không khí Tết thật hơn. Ngoài ra tục treo cờ trong suốt những ngày Tết đã tồn tại trong xóm làng của người Nùng. Lá cờ tổ quốc được các gia đình người Nùng treo lên rất trang trọng ở trước nhà vừa thể hiện tinh thần dân tộc, vừa cho thấy tính đoàn kết khăng khít của người dân.


Trong ngày Tết các gia đình người Nùng đều chọn cành đào đẹp nhất cắm trên bàn thờ để cầu mong cho những điều tốt đẹp, no đủ - Ảnh: Nguồn sưu tầm

Người Nùng bắt đầu sắm Tết rầm rộ từ ngày 28 tháng Chạp. Vào thời điểm các buổi họp chợ mua bán các mặt háng Tết trở nên đông đúc. Công việc mua sắm phần lớn do người phụ nữ đảm nhận. Còn người đàn ông có nhiệm vụ sửa sang lại nhà cửa chờ Tết tới.

Tết của nguời Nùng thực sự bắt đầu bằng bữa cơm giải xui chiều 30, món ăn chủ yếu là thịt vịt. Vì người Nùng cho rằng, thịt vịt sẽ xoá sạch những xui xẻo của năm cũ. Đúng giao thừa mọi nhà đều thắp hương và mở toang cửa để lộc vào nhà và để đón khách tới xông đất.

Trên bàn thờ tổ tiên của nguời Nùng gồm có bánh chưng, gà thiến luộc, bánh kẹo, thịt lợn, mâm ngũ quả và hai cây vạn niên hương được đặt cạnh bếp, ngoài cửa. Người Nùng thắp hương không khấn. Hương trên bàn thờ tổ tiên không được tắt mà phải thắp liên tục trong những ngày Tết. Điều cấm kị đêm 30 và ngày mùng 1 Tết là đốt lửa ngoài đường.
Bàn thờ của người Nùng có hai tầng, tầng trên có 1 bát hương và 5 hoặc 7 cái chén để thờ nàng tiên (tức Phật bà Quan âm Bồ tát). Không thờ những thứ có mỡ lợn. Chỉ thờ hoa quả, bánh kẹo và bánh chưng.
 


Bàn thờ trong dịp Tết của đồng bào Nùng - Ảnh: Nguồn sưu tầm

Các món ăn trong ngày Tết của người Nùng rất phong phú và đặc sắc, nó mang dấu ấn riêng của dân tộc. Một số đặc sản như khẩu sly (bánh bỏng), chè lam, các loại bánh rán, mứt. Trong những ngày tết, các món ngọt thường được gia chủ mang ra tiếp khách, để khách vừa nhấp chén trà vừa tận hưởng sự ngon ngọt của món ăn dân dã. Bên cạnh đó người Nùng còn tự làm món mặn vừa ngon vừa lạ, đó là món “phung xoong” (lạp xườn), hương vị rất hấp dẫn. Đây là món ăn đặc sản mà chỉ trong ngày Tết của người Nùng mới có cơ hội được thưởng thức.

Những phong tục độc đáo trong ngày Tết

Tục lệ dựng cây nêu là một phong tục độc đáo Tết của người Nùng ở Lạng Sơn. Họ dựng cây nêu với mục đích để xua đuổi tà ma nhằm đem lại mùa màng bội thu cho năm sau. Trên cây nêu người Nùng thường treo vàng mã, buộc lông gà. Tất cả đều vì mục đích bảo vệ con người, tạo lập hạnh phúc cho con người.
 



Cây nêu của người Nùng - Lạng Sơn -  Ảnh: Nguồn sưu tầm



Trong ngày tết của người Nùng, bánh chưng cũng được coi là một lễ vật không thể thiếu để tiếp khách. Ngoài bánh chưng được coi là lễ vật - phần không thể thiếu để tiếp khách, họ còn có bánh cao (còn gọi là bánh khảo). Đa phần các nhà tự làm lấy, qua đó người khách có thể đánh giá được tài nghệ của gia chủ. Ngoài ra còn có bánh tro. Bánh được làm cầu kỳ, trong suốt như mật ong, khi ăn chấm với mật (mật được đun từ đường phên). Đây là món ăn được trẻ em đặc biệt ưa thích.    

Ở trong làng, những gia đình khá giả nhất định không thiếu được món bánh pẻng phạ (hay còn gọi là bánh trời) được làm cực kỳ công phu, khẩu sly (bánh bỏng), chè lam (giống bánh dẻo), các loại mứt và bánh rán. Phung xoòng (lạp xường) là món ăn có thể để dành ra Giêng. Món này không giống lạp xường của người Kinh làm. Phung xoòng có thể to bằng cổ tay, hương vị rất hấp dẫn. Đây là món ăn đặc sản của người Nùng mà chỉ trong những ngày Tết họ mới có cơ hội thưởng thức.


Bánh chưng của người Nùng - Lạng Sơn - Ảnh: Nguồn sưu tầm



Ngày đầu xuân người Nùng thuờng xuống vườn cuốc đất trồng ngô, cầu cho một năm mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy nhà, lợn đầy chuồng, mọi nguời mạnh khoẻ bình an vô sự.
Những chàng rể mới phải lo đi Tết bố mẹ vợ, mang theo các lễ vật như các loại bánh, hoa quả, gà thiến. Có nơi đồ lễ hàng chục cái bánh chưng, lại có nơi nhất thiết phải có miếng thịt treo cắt dọc con lợn. Chàng rể lâu năm thì có phần đơn giản hơn về các thủ tục này chủ yếu là bánh chưng và thịt lợn.
Ngày xưa từ mùng 1 đến 15 tháng Giêng, thanh niên trong làng sẽ đến gia đình trưởng bản hoặc thầy mo để tập đánh trống, đánh chiêng. Trẻ con thì tập đi cà kheo, xe đạp. Thông thường người Nùng tổ chức hoá vàng (tiễn các cụ) chủ yếu vào ngày mùng 2, chậm nhất mùng 3 Tết.


Khẩu sli, món bánh bỏng đặc biệt của người Nùng - Ảnh: Nguồn sưu tầm

Ngày mùng 2 Tết hàng năm, người Nùng đem lễ tới miếu thờ thổ công cầu một năm mới an lành, hạnh phúc, vụ mùa bội thu.
 

Lễ cúng thổ công của người Nùng tại Lạng Sơn


Nhưng cũng có nơi cả làng tập trung bày lễ, rồi cử người đến cúng khấn. Ảnh: Đức Thuận

Lễ cúng thổ công của người Nùng tại Lạng Sơn


Sau khi thắp hương, rót rượu trong ban lễ, người dân thắp hương xung quanh miếu - Ảnh: Nguồn sưu tầm

Công việc quan trọng nhất của người Nùng là chuẩn bị ăn Tết vào rằm tháng Giêng. Tết của người Nùng ăn rất to, cũng mổ lợn ròng rã cả tháng sau Tết, họ chỉ ăn, chơi và đi lễ hội lùng tùng.
Đàn ông thì uống rượu, chơi tá lả, bài tam cúc, đàn bà đi làm lấy ngày rồi lại tiếp tục làm các loại bánh. Người Nùng rất tự trọng và mến khách. Vì thế các bạn đến chơi nhà một người Nùng bạn chưa thể ra khỏi nhà khi chưa uống cạn vài chén rượu chung vui.
Phong tục ăn tết của người Nùng là vậy. Suy cho cùng, tuy phong tục của mỗi dân tộc có nét khác nhau nhưng tất cả đều cùng chung một ý nghĩ muốn xa rời cái ác, hướng tới cái thiện, cầu mong cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.


Tổng đài hỗ trợ

0964262626