DU XUÂN LẠNG SƠN MÙA LỄ HỘI

Ngày đăng: 30/01/2019

Lạng Sơn - mảnh đất biên cương của Tổ Quốc còn in đậm dấu ấn của các nền văn hoá truyền thống của nhiều dân tộc ở Việt Nam. Những dân tộc có đông cư dân ở Lạng Sơn như Nùng, Tày, Việt, Dao với nhiều phong tục tập quán và lễ hội rất độc đáo. 
"Tháng một là tháng ăn chơi" - tháng của lễ hội. Hãy cùng Huy Võ du xuân Lạng Sơn mùa lễ hội để cùng khám phá những nét độc đáo mà chỉ có mảnh đất Biên cương này mới có. Mùa xuân ở Lạng Sơn mang vẻ đẹp đặc trưng của núi rừng phía Bắc. Dọc đường đi, những vạt hoa đào, hoa mơ rừng nở rộ ở ngay ven đường đã níu chân nhiều du khách dừng chân để chụp ảnh. Phong cảnh hữu tình với núi rừng nhấp nhô, hoa đào rừng nở rộ khoe sắc, những vệt hoa dại tím ngắt ven đường… khiến cho Lạng Sơn trở nên hấp dẫn và lãng mạn hơn trong mắt khách du lịch.
Lạng Sơn là tỉnh miền núi biên giới với hơn 250 km đường biên, có cửa khẩu quốc tế và quốc gia, cửa ngõ giao lưu kinh tế và văn hóa. Đây là nền tảng cơ bản tạo nên sự đa dạng, phong phú về văn hóa của tỉnh. Tại đây còn lưu giữ kho tàng văn nghệ dân gian khá phong phú như: Truyền thuyết, cổ tích, ca dao, tục ngữ... Với những lợi thế về địa lý và truyền thống văn hóa sẵn có, Lạng Sơn đã tạo được nét chấm phá riêng, độc đáo để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách.


 



Lạng Sơn - Ảnh: Nguồn sưu tầm
 


Song hành với những nét đặc sắc về văn hóa dân gian, Lạng Sơn là vùng đất của những lễ hội, đặc biệt là những lễ hội mùa xuân… Có thể điểm qua một số lễ hội tiêu biểu:


1. Hội Đền Mẫu Đồng Đăng (10 tháng Giêng âm lịch) - ngôi đền cổ linh thiêng trên đỉnh núi gần cửa khẩu Hữu Nghị: Đền thờ Phật Quan Âm Bồ Tát và Mẫu Cửu Trùng Thiên, kiến trúc theo kiểu “tiền Thánh, hậu Phật”. Vào ngày hội, không chỉ riêng nhân dân trong tỉnh mà còn có rất nhiều du khách tham dự.

 




Hội Đền Mẫu Đồng Đăng - Ảnh: Nguồn sưu tầm
 


2. Hội Quỳnh Sơn (12-13 tháng Giêng âm lịch): Hàng năm, vào ngày này người dân Làng văn hóa du lịch cộng đồng xã Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn) tổ chức lễ hội Lồng tồng (xuống đồng) và lễ rước kiệu vị tướng Dương Tự Minh (quan thời Lý) - người có nhiều công lao với nhân dân địa phương. Lễ hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian như: Hát sli, hát ví, đu quay và thi các môn thể thao… Tại lễ hội còn tổ chức thi giã gạo và gói bánh chưng, thi cày giữa các thanh niên trong xã để cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Sau khi dẹp giặc xong, núi rừng bình an, Quốc Thái dân an cùng với việc xây dựng vùng đất phồn thịnh. Ông luôn quan tâm đến đời sống của các dân tộc nông thôn nghèo khó. Cuối đời ông trở về Điểm Sơn và mất ở đấy- nay là núi Đuổm, ông được nhà Lý phong sắc “Uy viên đôn kính cao sơn quảng độ chi thần” các đời sau đều ghi nhận ông là Cao Sơn Quý Minh. Khi được biết tin ông mất để nhớ ơn công đức của Dương Tự Minh người dân tổng Quỳnh Sơn đã lập đền thờ tại Đẳng Rử Thôn bên sườn núi đá nước nguồn. Phía sau có giếng tiên thuộc Quỳnh Sơn. Trải qua nhiều năm phát triển dân số Quỳnh Sơn ngày càng đông địa điểm chật hẹp, dân làng đã cùng nhau chuyển Đền đến một địa điểm mới cách địa điểm cũ 400m về phía Đông giữa thôn Thâm Pác, Nà Riềng 1 và Nà Riềng 2. Đây là nơi để nhân dân thờ cúng, sinh hoạt văn hóa tâm linh hướng nguyện cầu sự giúp đỡ của thánh thần nhằm có cuộc sống ấm no hạnh phúc, qua đó gắn kết tinh thần cộng đồng và giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

 




Hội Quỳnh Sơn - Bắc Sơn - Ảnh: Nguồn sưu tầm
 


3. Hội Bủng Kham (12 tháng Giêng âm lịch): Diễn ra tại xã Đại Đồng (huyện Tràng Định). Hội mang đậm nét đặc sắc của văn minh nông nghiệp, với nhiều trò chơi dân gian như: Tung còn, đẩy gậy, kéo co, cờ người, giao lưu đối đáp dân ca, hát phong slư, then, sli, lượn. Lễ hội được hình thành bởi quan niệm Bủng Kham (thôn Nà Phái, xã Đại Đồng, huyện Tràng Định). Tương truyền, Bủng Kham là nơi vui chơi giải trí của thần tiên. Người dân địa phương và du khách thập phương thường đến đây thắp hương cầu mong được các nàng tiên phù hộ làm ăn phát đạt, cuộc sống bình yên, gia đình ấm no hành phúc. Thậm chí, nhiều gia đình khó nuôi con đã đem bát tự của con đến ký thác vào mỏm đá để mong thần tiên nuôi dưỡng.
 




Hội Bủng Kham - Ảnh: Nguồn sưu tầm
 


4. Hội Tam Thanh và Hội Lồng tồng Khòn Lèng (15-16 tháng Giêng âm lịch): Hội Tam Thanh gắn với chùa Tam Giáo ở động Nhị Thanh và chùa Tam Thanh ở động Tam Thanh trong quần thể khu danh thắng Nhị - Tam Thanh, thành nhà Mạc, núi nàng Tô Thị. Về phần hội, bao gồm những hoạt động: Đánh cờ người, thi múa võ dân tộc, ném còn và các làn điệu sli, then, lượn...Chùa Tam Thanh nằm trong động Tam Thanh – di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của Xứ Lạng. Theo như các nhà nghiên cứu khoa học, di tích này nguyên là nơi thờ tự của Đạo giáo. Sau này, do ảnh hưởng nhiều yếu tố, Đạo giáo mờ nhạt trong tâm thức nhân dân địa phương. Người dân địa phương đã đưa các yếu tố thờ tự của Phật giáo vào di tích này để thờ tự. Hội chùa được mở vào ngày 15 tháng giêng hàng năm. Ngoài ra, chùa Tam Thanh còn gắn liền với danh thắng tượng đá nàng Tô Thị đã đi vào ca dao của dân tộc. Tượng đá nàng Tô Thị đứng chếch trên sườn núi trước mặt chùa như một biểu tượng của lòng chung thủy sắt son của người phụ nữ. 
 


      Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa


Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh
 




Lễ hội chùa Tam Thanh - Ảnh: Nguồn copy


5. Hội chùa Bắc Nga (15 tháng Giêng âm lịch): Chùa nằm sát bên dòng sông Kỳ Cùng, là nơi vừa thờ Tiên, vừa thờ Phật. Ngày hội có cúng tế mời Tiên, mời Phật về phù hộ cho dân chúng được bình an, hạnh phúc. Hội có múa sư tử, hát sli, lượn…Phần lễ có các nghi thức cúng tế trong chùa mời Tiên mời Phật về phù hộ cho dân chúng được bình an hạnh phúc. Phần hội bao gồm múa sư tử,hát sli, hát lượn.Chùa Bắc Nga có tên chữ “Tiên nga phật tự” hay còn gọi là Chùa Tiên Nga ( Tiên Nga Tự). Chùa thuộc địa phận thôn Bắc Nga, Xã Gia Cát, huyện Cao Lộc. Lễ hội chùa Bắc Nga được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm (trùng hội chùa Tam Thanh). Đây là lễ hội cầu tài cầu lộc, du xuân, nam nữ rủ lên đồi cao hát giao duyên với các làn điệu sli, lượn, được coi là nét đặc trưng cho hát trong lễ hội ở Lạng Sơn. 
   




Hội chùa Bắc Nga - Ảnh: Nguồn sưu tầm
 


6. Hội chùa Tiên (18 tháng Giêng âm lịch): Chùa nằm trong lòng núi Đại Tượng, là nơi thờ Tiên, thờ Phật. Hội diễn ra nhiều trò chơi dân gian: múa sư tử, đánh cờ người, hát sli, then, lượn, diễn xướng dân gian…


Có nhiều truyền thuyết liên quan đến nguồn gốc của lễ hội Chùa Tiên, song phổ biển nhất là truyền thuyết Giếng Tiên. Chuyện kể rằng: “Ngày xưa, vào năm trời hạn hán đến nỗi sông Kỳ Cùng cũng cạn nước, đất đai nứt nẻ, cỏ cây héo khô, ruộng đồng xơ xác, dân làng Phia Luông không có nước dùng. Bữa nọ, một bầy trẻ chăn trâu trong làng gặp một cụ già ăn mặc xềnh xoàng, dáng thiểu não đến gặp chúng xin ăn, lũ trẻ vui vẻ chia phần cơm của chúng cho ông cụ và thành thực nói rằng: chúng cháu chỉ có cơm cho cụ ăn nhưng chẳng biết lấy gì mời cụ uống vì lâu nay làng đã không có nước. Cảm kích trước tấm lòng hiếu thảo của lũ trẻ, vừa nhận cơm xong, cụ già liền lấy gót chân giẫm xuống tảng đá, lập tức một dòng nước ngọt trong vắt phun lên. Từ đó, dân làng Phia Luông có đủ nước dùng. Sau này, người dân địa phương cho rằng: cụ già đó chính là ông Tiên đã ra tay cứu giúp làng qua cơn hoạn nạn, nên gọi nguồn nước đó là Giếng Tiên. Say này, người dân địa phương đã lập miếu thờ Tiên ngay cạnh giếng bên sườn đồi Đèo Giang – Văn Vỉ.


Phần lễ, bao gồm: các lễ hội thờ Phật, với nghi thức khai hội và phần nghi lễ tế. Điều đặc biệt ở lễ hội Chùa Tiên, các đồ lễ vật đặt lên các bàn thờ không được dâng lợn quay – vật lễ thường được dâng cúng ở các lễ hội khác.


Hội Chùa Tiên ngày nay mang tính chất là ngày hội cầu tài, cầu lộc, du xuân vãn cảnh. Chính vì vậy, lễ hội đã vượt khỏi khuôn khổ lễ hội làng. Nhiều du khách ở các vùng lân cận và các tỉnh miền xuôi nô nức đến trẩy hội. Không chỉ thế, Chùa Tiên còn là danh lam thắng cảnh vào bậc nhất của thành phố Lạng Sơn.
 




Lễ hội Chùa Tiên - Ảnh: Nguồn sưu tầm
 


7. Hội Thồng Báo Slao (21 tháng Giêng âm lịch): Đây là nơi người Tày, người Nùng có thể tìm được một nửa của mình, hay đơn giản chỉ là ôn lại chuyện tình đã qua. Hội không có phần lễ, mà chỉ có phần hội, với những tiết mục văn nghệ, làn điệu Sli, lượn và các trò chơi dân gian như: kéo co, tung còn, múa võ dân tộc...


  



Hội Thồng Báo Slao - Ảnh: Nguồn sưu tầm


 8. Hội Tả phủ - Kỳ Lừa (22-27 tháng Giêng âm lịch): Là lễ hội lớn nhất ở Lạng Sơn. Đền Kỳ Cùng là nơi thờ quan lớn Tuần Tranh. Đây là vị thần thuộc hàng Ngũ vị quan lớn (chỉ sau hàng Mẫu). Bên cạnh đó, đền còn thờ Đức Kỳ Cùng Đại Vương (ông Cộc, ông Dài - vị thần của sông Kỳ Cùng). Hội gắn với truyền thuyết dân gian về việc quan Tuần Tranh được vị quan Thân Công Tài giải oan… Hội diễn ra nhiều hoạt động: Nghi thức rước kiệu, cướp đầu pháo, múa sư tử, múa rồng, đánh cờ người, thi múa võ dân tộc, kéo co, hát sli, then, lượn…Theo truyền thuyết, đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại) thờ quan Tuần Tranh thuộc nhà Trần, do oan khuất nên ông nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn. Sau này, Tả đô đốc Hán quận công Thân Công Tài được nhà Lê cử lên Lạng Sơn đã minh oan cho cái chết của ông Tuần Tranh, sau khi ông mất người dân lập đền Tả Phủ (phường Hoàng Văn Thụ) để thờ cúng. Cảm kích trước công ơn của ông Thân Công Tài, ngày 22 tháng Giêng hàng năm, vào đúng Ngọ người dân địa phương mở hội rước bát hương ông Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng lên đền Tả Phủ tạ nghĩa. Ngày 27 sẽ rước kiệu quay ngược lại, đặc biệt ngày 27 diễn ra lễ cướp đầu pháo, theo quan niệm dân gian ai cướp được đầu pháo năm ấy sẽ gặp may mắn tài lộc.
 




Hội Tà Phủ - Kỳ Lừa - Ảnh: Nguồn sưu tầm
 


9. Hội  đền Vua Lê (23 tháng Giêng âm lịch): Tại xã Hoàng Đồng, TP.Lạng Sơn. Hội là dịp để nhân dân trong tỉnh tri ân các bậc danh nhân, anh hùng có công với dân, với nước trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn… Nhắc đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, chúng ta nhớ đến kế sách, chiến lược “vây thành, diệt viện”, của vua Lê Thái Tổ – Lê Lợi, nhớ đến những thắng lợi của chính nghĩa, của tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết dân tộc. Để tưởng nhớ về những trang sử đầy tự hào của dân tộc, nhớ đến những vị anh hùng dân tộc trong suốt dặm dài công cuộc dựng nước và giữ nước, trong đó có những chiến công oanh liệt gắn với mảnh đất Lạng Sơn. Hàng năm vào ngày 23 tháng giêng,  Lạng Sơn lại tổ chức lễ hội đền vua Lê.

 




Lễ hội Đền Vua Lê - Ảnh: Nguồn sưu tầm
 


Những lễ hội ở mỗi địa phương khác nhau đều mang phong vị và sắc thái đặc trưng riêng. Không dừng lại ở đó, khi đến với mỗi làng quê của đồng bào các dân tộc xứ Lạng, du khách dễ dàng cảm nhận được tấm lòng chân tình, mến khách của những người dân nơi đây. Đến Xứ Lạng mùa lễ hội, du khách còn có dịp được thưởng thức các món ẩm thực nức tiếng khiến bất cứ ai đến đây cũng phải thích thú, trầm trồ.


Tổng đài hỗ trợ

0964262626